Thông tin cơ bản về Myanmar và quan hệ với Việt Nam

LIÊN BANG MI-AN-MA

(The UNI0N of Myanmar )
Tên nước: Liên bang Mi-an-ma (UNI0N of Myanmar); Thủ đô: Nây-pi-đô (Nay Pyi Taw, từ 1/2006) trước đó là I-ăng-gon (Yangon). (Click phải và chọn save as ở đây để tải bản thông tin về Myanmar)
Vị trí địa lý: Mi-an-ma nằm ở Đông Nam Á. Có biên giới chung với Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Ấn Độ, Băng-la- đét và bờ biển dài 2.276 Km.
Diện tích: 676.577 Km2; Dân số: 47,373,958 triệu (6/2007).
Dân tộc: Gồm 135 dân tộc và bộ tộc, đông nhất là người Ba-ma chiếm 68%, người San chiếm 9%, người Karen(Kayin) chiếm 7%.
Tôn giáo: Đạo Phật (chiếm 89%), Hồi giáo (4%), Thiên chúa giáo (2%), Ấn độ giáo (4%) và các tôn giáo khác.
Ngày độc lập (Quốc khánh): Ngày 4/1/ 1948

Lãnh đạo nhà nước hiện nay:

Nguyên thủ quốc gia: Thống tướng Than Xuề (Senior General Than Shwe) Chủ tịch Hội đồng Hoà bình và Phát triển Quốc gia (SPDC) (từ tháng 4/1992).
Thủ tướng: Thủ tướng tạm quyền, Trung tướng Thên Sên (Thein Sein) (18/5/2007).
Ngoại trưởng: Thiếu tướng Ni-an Uyn (Nyan Win).
I. Lịch sử:
Tháng 1/1824, Anh bắt đầu xâm nhập Mi-an-ma và đến 1886 đã thôn tính hoàn toàn Mi-an-ma. Trong Đại chiến Thế giới II, Nhật chiếm đóng Mi-an-ma. 17/5/1945, Anh với danh nghĩa quân đồng minh quay trở lại Mi-an-ma.
Ngày 4/1/1948, Anh trao trả độc lập hoàn toàn cho Mi-an-ma. Sau khi giành được độc lập, Mi-an-ma là nhà nước Liên bang theo chế độ dân chủ đại nghị. Trong những thập kỷ từ 1962, Mi-an-ma chứng kiến nhiều biến động chính trị.
Tháng 4/1992, Thống tướng Than Xuề lên giữ chức Chủ tịch SLORC. Tháng 11/1997, Hội đồng Hòa bình và phát triển quốc gia (SPDC) được thành lập thay thế SLORC, Thống tướng Than Xuề làm Chủ tịch. Từ ngày 18/5/2007, Trung tướng Thên Sên (Lt. Gen. Thein Sein) là Thủ tướng tạm quyền.
II. Thể chế chính trị:
Về hành chính: Mi-an-ma theo thể chế Liên Bang với 7 bang và 7 Khu hành chính (tương đương bang).
Về chính trị: Cơ quan quyền lực cao nhất hiện nay là Hội đồng Hoà bình và Phát triển Quốc gia (SPDC) do Thống tướng Than Xuề làm Chủ tịch. Tại các Bang, Khu hành chính và các cấp chính quyền địa phương đều có Hội đồng Hoà bình và Phát triển địa phương.
Đứng đầu Chính phủ Mi-an-ma hiện nay là Thủ tướng tạm quyền, Ông Thên Sên. Chính phủ có 35 thành viên.
Quốc hội Mi-an-ma được bầu năm 1990 với 485 đại biểu. Từ 1993, Đại hội Quốc dân được triệu tập để dự thảo Hiến pháp mới. Đại hội Quốc dân có thể sẽ được mở lại vào ngày 18/7/2007 để xác định và hoàn tất những chi tiết cuối cùng của bản hiến pháp, bao gồm các điều khoản về bầu cử, các đảng phái chính trị, quốc kỳ và quốc ca.
IV. Kinh tế – xã hội:
– Mi-an-ma là một nước giầu tài nguyên, đất đai phì nhiêu với tổng diện tích trồng trọt khoảng 23 triệu héc ta. Nông nghiệp chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu. Từ năm 1988, Mi-an-ma tiến hành cải cách nền kinh tế từ hành chính bao cấp sang nền kinh tế thị trường, ban hành luật đầu tư nước ngoài, cho phép thành lập lại các doanh nghiệp tư nhân. Tăng trưởng GDP từ 1989 đến 1996 lần lượt được cải thiện. Trong 5 năm (1996-2001), GDP của Mi-an-ma phát triển trung bình 6%/năm. Chính phủ đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế 10 năm từ 2001-2011 với mức tăng trưởng GDP trung bình là 7,2%/năm.
– Tăng trưởng kinh tế năm 2004-2005 đạt 4%. Đầu tư nước ngoài hiện có 374 dự án từ 25 nước và lãnh thổ, trong đó đầu tư từ các nước ASEAN là 3,844 tỷ USD chiếm 51,64%. Kim ngạch thương mại chính ngạch giữa Mi-an-ma với các nước năm 2005-2006 đạt khoảng 5,5 tỷ USD.
V. Chính sách đối ngoại:
– Mi-an-ma chủ trương chính sách đối ngoại là quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới, chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi. Mi-an-ma là thành viên của Tổ chức ASEAN, WTO, Phong trào Không Liên kết và Liên Hợp quốc.
– Từ khi Mi-an-ma được kết nạp vào ASEAN tháng 7/1997, quan hệ Mi-an-ma với các nước ASEAN ngày càng được tăng cường và cải thiện. Mi-an-ma tích cực tham gia các hoạt động của ASEAN, kiên trì bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và đồng thuận của ASEAN.
VI. Quan hệ Việt Nam – Mi-an-ma:
Mi-an-ma và Việt Nam có quan hệ rất sớm. Năm 1947, ta đặt cơ quan thường trú tại Yangon. Mi-an-ma tích cực ủng hộ nhân dân ta trong các cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập, chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng Tổ quốc hiện nay.
Tháng 11/1954, Thủ tướng U Nu sang thăm nước ta. Tháng 2/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Mi-an-ma. Chính phủ Mi-an-ma đã tuyên bố phản đối Mỹ ném bom miền Bắc và rải chất độc hoá học ở miền Nam.
Ngày 28/5/1975 quan hệ Tổng Lãnh sự được nâng lên quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ (28/5/1975).
Trong những năm qua, hai nước đã tích cực củng cố và thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với nhau. Nhiều chuyến thăm cấp cao đã được tiến hành: thăm Mi-an-ma có đoàn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (5/1994), Tổng Bí thư Đỗ Mười (5/1997), Thủ tướng Phan Văn Khải (5/2000), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (5/2002); Chủ tịch Than Suề đã thăm chính thức Việt Nam tháng 3/1995 và 3/2003… Ngày 28/5/2005, hai bên trọng thể kỷ niệm 30 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (28/5/1975-28/5/2005). Hai bên cũng tiến hành hai cuộc họp tham khảo Chính trị thường niên giữa hai Bộ Ngoại giao (vào tháng 8/2005 tại Yangon và tháng 8/2006 tại Hà Nội).
Ta luôn luôn tích cực ủng hộ Mi-an-ma hội nhập khu vực và quốc tế. Việt Nam là nơi mà Mi-an-ma đều được kết nạp vào ASEAN và ASEM trong những thời điểm khó khăn của bạn.
Quan hệ kinh tế-thương mại có những bước phát triển tích cực. Năm 2006 kim ngạch dự báo đạt mức khoảng 70 triệu USD, tăng 21,1% so với năm 2005.
Tổng kim ngạch thương mại 4 tháng đầu năm 2007 giữa ta và Mianma là 23,4 triệu USD.
Hai nước đã tiến hành 5 kỳ họp UBHH Việt Nam-Mi-an-ma (lần gần đây nhất là tháng 12/2004), theo đó thỏa thuận tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể như: thương mại, nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, y tế, du lịch, bưu chính viễn thông, hàng không….Hai bên cũng đã thành lập Ủy ban thương mại chung để thúc đẩy thương mại song phương, tổ chức Hội chợ thương mại hàng năm để giới thiệu sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
Việt Nam và Mi-an-ma tích cực phối hợp với nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực Tiểu vùng Mê kông (GMS); Chiến lược phát triển kinh tế 3 dòng sông (ACMECS)…./.
(Thursday, April 03, 2008)


Download PFG file

BÀI VIẾT LIÊN QUAN