QĐ chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người LĐVN đi làm việc ở nước ngoài theo HĐ

NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH

Điều 1. Khu vực, ngành nghề và công việc bị cấm đi làm việc ở nước ngoài (khoản 4 Điều 7 của Luật)
1. Khu vực có chiến sự hoặc có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực bị nhiễm xạ, khu vực bị nhiễm độc, khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.
2. Khu vực mà nước tiếp nhận lao động cấm người lao động nước ngoài đến làm việc.
3. Những nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm không phù hợp với thể trạng của người Việt Nam; công việc ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục của Việt Nam thuộc danh mục cấm quy định kèm theo Nghị định này.

Điều 2. Loại hình doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (khoản 4 Điều 8 của Luật)
Doanh nghiệp được xem xét cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Giấy phép) là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam.

Điều 3. Vốn pháp định của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ (khoản 2 Điều 8 của Luật)
Vốn pháp định của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là 5 tỷ đồng.

Điều 4. Nội dung đề án hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (khoản 1 Điều 9 của Luật)
Đề án hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thể hiện năng lực tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ có đủ trình độ và kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đề án bao gồm những nội dung sau đây:
1. Tên giao dịch, địa chỉ giao dịch, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, vốn và cơ cấu vốn, chủ sở hữu doanh nghiệp hoặc người đại diện doanh nghiệp theo ủy quyền, vốn, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (nếu là doanh nghiệp đang hoạt động).
2. Phương án tổ chức bộ máy hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
3. Dự kiến thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, ngành nghề đưa lao động đi, địa bàn tuyển chọn lao động.
4. Phương án tuyển chọn người lao động, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động, quản lý người lao động làm việc ở nước ngoài.
5. Phương án tài chính để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Điều 5. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ (khoản 4 Điều 9 của Luật)
1. Mức tiền ký quỹ là một tỷ đồng. Trường hợp tiền ký quỹ được sử dụng để giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng, doanh nghiệp phải nộp bổ sung cho đủ mức tiền ký quỹ theo quy định.
2. Doanh nghiệp ký quỹ tại Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
3. Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước có quyền sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
4. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ngân hàng nhà nước hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ.

Điều 6. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề (khoản 4 Điều 34 của Luật)
1. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề được cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng để giải quyết các vấn đề phát sinh trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề.
2. Mức tiền ký quỹ của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề bằng 10% tiền vé máy bay một lượt từ nước mà người lao động đến làm việc về Việt Nam tính theo số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong Hợp đồng nhận lao động thực tập đã đăng ký.
3. Doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề thực hiện việc ký quỹ tại Ngân hàng Thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và xuất trình xác nhận tiền ký quỹ tại thời điểm đăng ký Hợp đồng nhận lao động thực tập.
4. Sử dụng tiền ký quỹ:
a) Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có quyền sử dụng tiền ký quỹ đối với Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian dưới 90 ngày.
b) Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước có quyền sử dụng tiền ký quỹ đối với Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề có thời gian từ 90 ngày trở lên.
5. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề.

Điều 7. Lệ phí cấp Giấy phép (khoản 4 Điều 10 của Luật)
1. Lệ phí cấp Giấy phép là 5 triệu đồng. Doanh nghiệp nộp lệ phí cấp Giấy phép tại thời điểm nhận Giấy phép.
2. Việc thu, quản lý và sử dụng lệ phí cấp Giấy phép được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

Điều 8. Trách nhiệm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
1. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Xây dựng chiến lược, kế hoạch về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và chỉ đạo thực hiện.
3. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, cơ chế về người lao động đi làm việc ở nước ngoài trình các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn liên quan.
4. Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu phát triển thị trường lao động ngoài nước.
5. Đàm phán trình cấp có thẩm quyền ký kết gia nhập điều ước quốc tế về lao động theo quy định của pháp luật về ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; ký kết các thoả thuận quốc tế về lao động theo quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện thoả thuận quốc tế.
6. Xây dựng và hướng dẫn thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; quy định nội dung, chương trình và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; tổ chức bồi dưỡng cán bộ thực hiện nhiệm vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cán bộ quản lý lao động ở nước ngoài.
7. Quy định về Giấy phép; Quyết định việc cấp, đổi, thu hồi Giấy phép.
8. Tổ chức, hướng dẫn việc đăng ký hợp đồng của doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước theo hợp đồng cá nhân; giám sát việc thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp.
9. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
10. Tổ chức và thực hiện thanh tra chuyên ngành để thực hiện việc thanh tra đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
11. Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức và chỉ đạo công tác quản lý, xử lý những vấn đề liên quan đến người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài; phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ tổ chức Ban Quản lý lao động trực thuộc Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài ở những nước, khu vực có nhiều lao động Việt Nam.
12. Quy định, hướng dẫn chế độ báo cáo định kỳ hàng năm, đột xuất của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp của nhà nước cho cơ quan quản lý nhà nước; tổ chức thực hiện việc quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mã số.
13. Hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Điều 9. Trách nhiệm của Bộ Ngoại giao
1. Cùng với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về chủ trương, chính sách về người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
2. Chỉ đạo, hướng dẫn Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài thực hiện các công tác sau: bảo hộ lãnh sự, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước sở tại phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó là thành viên, phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước xử lý những vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động Việt Nam làm việc ở nước sở tại, nghiên cứu và cung cấp thông tin để phát triển thị trường đưa người lao động đi làm việc ở nước sở tại, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thị trường lao động ngoài nước.

Điều 10. Trách nhiệm của Bộ Công an
1. Cấp hộ chiếu cho người lao động theo quy định của pháp luật.
2. Chỉ đạo lực lượng công an các cấp nắm tình hình các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm phòng ngừa, phát hiện và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
3. Phối hợp với Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền kịp thời điều tra, xử lý đối với những trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm theo quy định của pháp luật.
4. Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài trong việc tiếp nhận người lao động Việt Nam bị phía nước tiếp nhận lao động trục xuất hoặc bị buộc về nước theo quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
5. Khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Y tế
1. Quy định điều kiện để các cơ sở y tế được khám và chứng nhận sức khoẻ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội quy định thống nhất mức phí kiểm tra sức khỏe cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài quy định điều kiện, tiêu chuẩn sức khoẻ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với từng thị trường lao động.
3. Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội định kỳ tổ chức tổng hợp và đánh giá tình hình sức khỏe của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.
4. Chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm của các cơ sở y tế trong việc tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Trách nhiệm của Bộ Tài chính
Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan quy định chế độ tài chính trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Điều 13. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi đối với người lao động thuộc diện chính sách xã hội đi làm việc ở nước ngoài.
2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.

Điều 14. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
1. Thực hiện quản lý nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương.
2. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới:
a) Tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
b) Có kế hoạch đào tạo nguồn lao động và giới thiệu người lao động có ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành tốt các quy định của pháp luật để tham gia dự tuyển đi làm việc ở nước ngoài;
c) Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp của Nhà nước tuyển lao động tại địa phương và quản lý người lao động của địa phương làm việc ở nước ngoài;
d) Xác nhận, chứng thực các loại giấy tờ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;
đ) Giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;
e) Kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp tại địa phương;
g) Tổ chức tiếp nhận đăng ký hợp đồng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân và của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề.
3. Báo cáo định kỳ, đột xuất Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về tình hình người lao động đi làm việc ở nước ngoài của địa phương.

Điều 15. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều 10 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
1. Tham gia ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện quy định tại Điều 8 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Phối hợp chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động do doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý đưa đi làm việc ở nước ngoài trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản.
3. Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
5. Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý người lao động làm các ngành nghề đặc thù thuộc lĩnh vực do Bộ, ngành Trung ương quản lý.

Điều 16. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bãi bỏ Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.

Điều 17. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn, tổ chức thi hành và chịu trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
TM. Chính phủ
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
– VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Toà án Nhân dân Tối cao;
– Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan TW của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, Ban Điều hành 112, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, VX (5b). Trang

Thủ tướng

(Đã ký)

Nguyễn Tấn Dũng

DANH MỤC
Nghề và công việc cấm đi làm việc ở nước ngoài
(Ban hành kèm theo Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ )

1. Nghề vũ công, ca sỹ, massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí.
2. Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm), tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân.
3. Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại.
4. Công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, disunfua cacbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh.
5. Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập.
6. Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương).
7. Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.
8. Công việc mà nước tiếp nhận lao động và Việt Nam cấm./.



Download PFG file

BÀI VIẾT LIÊN QUAN