Gần 80 cô gái xinh đẹp đã đến khách sạn Movenpick (quận 1, TP HCM) để ứng tuyển làm tiếp viên hàng không cho Emirates Airlines (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất – UAE) do Công ty CP Nhân lực toàn cầu GMAS vừa tổ chức. Có cô khăn gói từ miền Tây lên, có cô bay từ Đà Nẵng, Hà Nội vào với hy vọng tìm được cơ hội làm tiếp viên cho một trong những hãng hàng không lớn nhất thế giới.
Tìm cơ hội thử thách
“Được làm tiếp viên hàng không là ước mơ cả đời của em nên khi biết Emirates Airlines tuyển là em nộp hồ sơ liền”. Một cô gái trẻ đã nói như vậy với bạn dự tuyển ở sảnh phỏng vấn. Đó là Châu Vạn Ý, ngụ TP HCM, sinh viên năm cuối Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM. “Hãng không đòi hỏi người dự tuyển phải học đúng ngành tiếp viên hàng không, nhờ vậy em mới hy vọng. Em rất tự tin vào khả năng giao tiếp, vốn ngoại ngữ và… chiều cao 1,65 m của mình” – Ý bộc bạch.
Trong số gần 80 “cô gái chân dài” ứng tuyển, ngoài một số sinh viên như Châu Vạn Ý, phần đông đã từng đi làm… Nguyễn Thị Ngọc Anh, quê Thanh Hóa, có bằng ĐH ngoại thương, đang công tác tại một ngân hàng ở Hà Nội, cho biết dù không có kinh nghiệm chuyên môn nhưng rất tự tin ứng tuyển. Cô cho biết: “Được làm việc trong môi trường hiện đại bậc nhất, được đi nhiều nơi trên thế giới còn gì bằng!”. Còn Phạm Xuân Quỳnh, ngụ TP HCM, hiện là luật sư của Đoàn Luật sư TP xem việc ứng tuyển làm tiếp viên hàng không là cơ hội để thay đổi nghề nghiệp. Quỳnh tâm sự: “Em muốn đi nhiều nước, muốn khám bản thân, môi trường sống; qua đó cũng muốn biết cơ hội, thách thức với mình là gì, mình đang ở đâu…”.
Rất nhiều người cũng đặt ra những mục tiêu, kỳ vọng khi trở thành tiếp viên hàng không. Sau khi tốt nghiệp
Trường ĐH Lincoln của Mỹ trở về, Phạm Điền Thùy Dung trải qua công việc ở khách sạn Sheraton và Sacombank. Dung nói: “Mục tiêu của em là trở thành tiếp viên của Emirates Airlines, sau đó cố gắng làm việc, chứng tỏ năng lực để lên làm quản lý”.
Hợp đồng hạng sang
Công ty CP Nhân lực toàn cầu GMAS là doanh nghiệp xuất khẩu lao động duy nhất của Việt Nam được Emirates Airlines ủy quyền tuyển chọn tiếp viên hàng không. Đến nay, sau 4 đợt phỏng vấn, đã có 24 người xuất cảnh, đang làm tiếp viên của hãng hàng không này. Theo thỏa thuận giữa hai bên, phía Emirates Airlines trả phí cho GMAS 400 USD/người, bù lại GMAS không thu bất kỳ khoản chi phí nào của ứng viên. “Đây là hợp đồng tốt nhất mà chúng tôi có được nên cố gắng thực hiện để mang lại cơ hội cho người lao động” – ông Đàm Trung Bắc, Tổng Giám đốc GMAS, khẳng định.
Theo hợp đồng, lương cơ bản của tiếp viên hàng không đạt 1.180 USD/tháng, phụ cấp chuyến bay từ 15,12 đến 24,66 USD/giờ, phụ cấp điện thoại 11 USD/tháng, chưa kể phụ cấp làm thêm ngày nghỉ, ngày lễ… Thu nhập bình quân của một ứng viên tối thiểu 2.500 USD, phổ biến từ 3.000 – 3.500 USD/tháng. Bà Thân Thị Thảo, Phó Tổng Giám đốc GMAS, cho rằng nhờ không tốn chi phí, lại được làm việc cho một hãng hàng không lớn, thu nhập cao nên thời gian qua có rất đông nữ thanh niên từ mọi miền đăng ký tham gia. Cũng theo bà Thảo, đối tượng tuyển chủ yếu là nữ, tốt nghiệp THPT trở lên, từ 21 đến 30 tuổi, cao tối thiểu 1,58 m. Điều kiện tuyển dụng không quá chú trọng về bằng cấp chuyên môn, hình thể nhưng để được tuyển dụng thì rất khó. “Rất nhiều người từng có 10 năm làm tiếp viên hàng không vẫn bị đánh rớt… Điều quan trọng nhất là ứng viên phải biết cách thể hiện bản thân, cá tính, kỹ năng giải quyết tình huống…” – bà Thảo nói.
Tuyển thêm nhiều tiếp viên
|