Quan hệ thương mại , đầu tư Việt Nam – Myanmar 2014 – 2015

Quan hệ thương mại , đầu tư Việt Nam – Myanmar 2014 – 2015

Về thương mại – dịch vụ

Cuối 2014, lãnh đạo hai nước Việt Nam và Myanmar đã đề ra mục tiêu vào năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vượt 500 triệu đôla Mỹ và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sang Myanmar đạt 1 tỷ đôla Mỹ. Việt Nam được coi là đối tác thương mại lớn, đứng thứ 9 trong các nước đối tác về thương mại của Myanmar.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2014, quan hệ thương mại song phương Việt Nam – Myanmar đã đạt được trên 480,65 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Myanmar đạt 345,9 triệu USD, tăng 51,8% so với năm 2013; kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Myanmar đạt 134,8 triệu USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù tốc độ tăng trưởng kim ngạch cao là điều thường thấy ở các thị trường xuất khẩu mới, tuy nhiên sự tăng trưởng kim ngạch thương mại với thị trường Myanmar có hai điểm tích cực đáng chú ý. Thứ nhất là tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Myanmar cũng như thứ hạng của Việt Nam so với các nước xuất khẩu vào Myanmar tăng khá nhanh và ổn định. Theo số liệu thống kê Myanmar, 6 tháng đầu năm năm 2012 Việt Nam chiếm tỷ trọng 0,66% và đứng thứ 13 trong các nhà xuất khẩu lớn nhất vào Myanmar, cùng kỳ năm 2013 tăng lên 1,35% và đứng thứ 10; 6 tháng đầu năm 2014 tăng lên gần 2% và đứng thứ 9. Thứ hai là so với cùng kỳ năm 2013, mặt hàng xuất khẩu đã đa dạng hơn nhiều. Ngoài 7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống sang Myanmar như: sắt thép các loại, sản phẩm từ kim loại thường khác, máy móc thiết bị và phụ tùng, nguyên liệu và sản phẩm nhựa, sản phẩm dệt may, phương tiện vận tải, đồ gốm sứ, đã có thêm 3 mặt hàng mới (với kim ngạch trên 2 triệu USD) là thực phẩm (8,8 triệu USD), xi măng và clanhke (10,6 triệu USD) và đồ nội thất (3,3 triệu USD).

Về mặt hàng nhập khẩu chủ yếu vẫn bao gồm gỗ tròn, đậu đỗ các loại và nguyên liệu thủy sản. Tuy nhiên, từ 1/4/2014, Myanmar đã cấm xuất khẩu gỗ tròn nên tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Riêng Tp.HCM, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Myanmar đã tăng lên rõ rệt: năm 2013 đạt 73,8 triệu USD, tăng 136,6% so với năm 2012; năm 2014 đạt 77,34 triệu USD, tăng 4,79% so với năm 2013. Bình quân tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của Tp.HCM vào thị trường Myanmar trong giai đoạn 2012 – 2014 là 157,46%.

Myanmar đang là một trong những thị trường mục tiêu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất phân bón, đồ nhựa gia dụng, thực phẩm chế biến, điện công nghiệp, điện gia dụng, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, vật liệu xây dựng… và các doanh nghiệp chuyên phân phối, xây dựng hệ thống bán lẻ.

Theo các doanh nghiệp, hàng Việt Nam phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc, Thái Lan được nhập vào Myanmar với giá rẻ. Cạnh tranh gay gắt nên kinh doanh tại Myanmar không thể tính chuyện có lợi nhuận nhanh chóng, mà cần có sự đầu tư nghiêm túc, lâu dài.

Gần đây, bên cạnh xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp Việt Nam đã chú ý phát triển xuất khẩu dịch vụ sang Myanmar. Một số dự án lớn của doanh nghiệp Myanmar đã có sự tham gia của đối tác Việt Nam cung cấp dịch vụ.

Hiện nay, tình hình ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến vào quy trình quản trị và sản xuất của các doanh nghiệp Myanmar đang có nhiều chuyển biến tích cực. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam mở rộng thị trường Myanmar.

Trong lĩnh vực viễn thông, VNPT và Viettel đã tham gia đấu thầu vào thị trường Myanmar. Gần đây, Tập đoàn FPT đang tích cực tham gia thị trường. Tập đoàn FPT thành lập Công ty FPT Myanmar từ năm 2013. Các công ty trực thuộc Tập đoàn FPT như FPT Trading, FPT IS, đại học FPT, FPT Software cũng đã cử nhân sự theo dõi thị trường này. Tháng 1/2015 vừa qua, Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) đã khởi động dự án ERP cho United Paints Group (UPG) – doanh nghiệp Myanmar đầu tiên ứng dụng giải pháp SAP All-in-one (SAP A1) cho trụ sở chính, nhà máy, 5 chi nhánh ở Myanmar và một công ty con tại Singapore của UPG. Tập đoàn FPT cũng đã giành được hợp đồng dịch vụ đầu tiên triển khai hệ thống quản lý phân phối, bán hàng (DMS) cho Tổng công ty MMI (doanh nghiệp lớn nhất Myanmar trong lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh) và 7 chi nhánh với hơn 200 nhân viên bán hàng trên khắp các tỉnh, thành của Myanmar. Phân phối cũng là một lĩnh vực được FPT đẩy mạnh, với hai mảng kinh doanh chính là thiết bị công nghệ thông tin – viễn thông và điện thoại di động.

Trong lĩnh vực dịch vụ xây dựng, sau 19 tháng thi công, trong vai trò quản lý xây dựng dự án, đầu tháng 3/2015, Công ty cổ phần Xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình đã cất nóc dự án chung cư GEMS tại thành phố Yangon, Myanmar. Đây là dự án do Công ty Capital Development Limited (CDL) thuộc tập đoàn CDSG của Myanmar làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô gồm bốn tòa tháp cao 21 tầng, 1 tòa nhà giữ xe cao 5 tầng, tọa lạc tại đường Insein, quận Hlaing, thành phố Yangon.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam đầu năm 2015, Bộ trưởng Bộ Thông tin Myanmar U Ye Htut cho biết, Myanmar đang rất mong phát triển mạnh lĩnh vực phát thanh – truyền hình nên Chính phủ nước này đã bắt đầu cấp phép cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình cáp, đang soạn thảo những qui định để tiến tới cấp phép cho các doanh nghiệp nước ngoài liên doanh cùng doanh nghiệp tư nhân trong nước cung cấp dịch vụ. Myanmar mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm tham gia thị trường này. Doanh nghiệp nước ngoài khi liên doanh cùng đối tác trong nước của Myanmar sẽ có thể góp vốn tối đa tới 30%. Riêng đối với lĩnh vực báo chí – xuất bản, doanh nghiệp nước ngoài có thể liên doanh cùng doanh nghiệp Myanmar và sở hữu tới 95% cổ phần. Đối với một số ngành như đào tạo tiếng Anh hoặc giáo dục thì nước ngoài có thể sở hữu tới 100% cổ phần.

Một số lĩnh vực tiềm năng tại Myanmar gồm: Lĩnh vực ngân hàng – tài chính – bảo hiểm; Hàng không; Trồng cây công nghiệp; Sản xuất vật liệu xây dựng, bất động sản; Lĩnh vực khai thác dầu mỏ, khí đốt; Khai thác chế biến khoáng sản; Sản xuất cung ứng thiết bị điện, điện tử, biến áp, đường dây; Sản xuất ôtô; Viễn thông và hạ tầng viễn thông; Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, trung tâm thương mại; Phát triển nông nghiệp; Chế biến thủy sản, đánh bắt cá xa bờ.

Về đầu tư

Theo số liệu chính thức của Ủy ban Đầu tư nước ngoài Myanmar, tính từ năm 1988 đến cuối tháng 12/2014, đã có 859 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Myanmar thông qua các dự án đầu tư có tổng số vốn lên tới 52,84 tỷ USD. Các lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều: năng lượng, dầu khí, chế tạo, khai khoáng, giao thông vận tải, khách sạn và bất động sản.

Tháng 12/2014, đầu tư từ Việt Nam ghi nhận thêm dự án liên doanh giữa Công ty đóng tàu Đông Á (thuộc Tập đoàn thép Việt Nhật) và Nhà máy đóng tàu Myanmar (thuộc Bộ Giao thông vận tải Myanmar) với tổng vốn 175,4 triệu USD (tỷ lệ góp vốn phía Việt Nam là 49%), đưa con số đầu tư trực tiếp của Việt Nam tại Myanmar lên 8 dự án được cấp phép với tổng giá trị 688,6 triệu USD. Trong đó, lớn nhất là dự án tổ hợp khách sạn, văn phòng nhà ở cao cấp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với tổng mức đầu tư 440 triệu USD. Việt Nam đứng thứ 8 trong các nước đối tác và chiếm 1,3% tổng vốn FDI của Myanmar. Ngoài các dự án đầu tư, hiện có 35 doanh nghiệp Việt Nam thành lập công ty, văn phòng đại diện tại Myanmar.

Xuất khẩu của Việt Nam vào Myanmar tăng trưởng ổn định ở mức cao, song các dự án đầu tư mới của Việt Nam vào Myanmar đã chững lại. Nguyên nhân không vì môi trường đầu tư Myanmar không hấp dẫn, hay do các rào cản về chính sách, mà xuất phát từ khó khăn của nội tại doanh nghiệp trong nước (khả năng cạnh tranh thấp, chi phí vốn cao và chịu ảnh hưởng của khó khăn kinh tế trong nước) và cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp (thiếu vắng các dự án đầu tư có tầm nhìn trung và dài hạn). Sau làn sóng sang Myanmar để khảo sát, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thấy sự khác biệt giữa lĩnh vực đầu tư có nhu cầu thu hút vốn hoặc thực sự tiềm năng của bạn và lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam quan tâm

Trong nửa đầu năm tài chính 2015 (tính từ 10/2014 đến cuối tháng 3/2015), lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Myanmar đạt trên 3,67 tỷ USD, trong đó, giao thông vận tải là lĩnh vực dẫn đầu, chiếm 36,83%, tiếp theo là ngành năng lượng (21,9%) và bất động sản (16,95%). Việt Nam là một torng những quốc gia có nguồn vốn đầu tư vào Myanmar tăng lên.

Theo thống kê từ phía Myanmar tính đến tháng 2/2015, trong top 30 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Myanmar thì Việt Nam đứng ở vị trí thứ 9 về quy mô đầu tư.

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM), dự kiến đến năm 2015, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam vào Myanmar đạt khoảng 1,5 tỷ USD, đưa Việt Nam lọt vào tốp 5 quốc gia đầu tư lớn nhất tại Myanmar. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam) cũng cho biết năm 2014 doanh nghiệp Việt Nam đăng ký đầu tư sang Myanmar với 16 dự án.



Download PFG file

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

!!!

error: Content is protected !!