QUYẾT ĐỊNH Số: 20/2007/QĐ-BLĐTBXH

Ban hành chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước.

BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH XÃ HỘI CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Số: 20/2007/QĐ-BLĐTBXH Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2007
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết
cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngày 29 tháng 11 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 29/2003/ NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này mẫu chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết để cấp cho người lao động đã hoàn thành khoá bồi dưỡng kiến thức cần thiết, sau đây gọi là mẫu chứng chỉ.
1. Mẫu chứng chỉ được áp dụng thống nhất trong cả nước.
2. Mẫu chứng chỉ được quy định như sau:
a) Kích thước 10,5cm x 15cm;
b) Mặt sau là bìa chứng chỉ có nền màu trắng.
Mặt trước là ruột chứng chỉ có nội dung thống nhất theo Mẫu Chứng chỉ ban hành kèm theo Quyết định này, dòng chữ “CHỨNG CHỈ BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC CẦN THIẾT” mầu xanh, các nội dung khác mầu đen;
c) Biểu tượng của doanh nghiệp, tổ chức (nếu có) được phép in ở góc trên bên trái của chứng chỉ, phía trên tên doanh nghiệp, tổ chức;
d) Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết, sau đây gọi là chứng chỉ được in trên loại giấy bìa.
3. Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đăng ký Mẫu chứng chỉ tại Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Điều 2. Người đứng đầu các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức in và quản lý phôi chứng chỉ.
Điều 3. Người đứng đầu bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm:
1. Cấp chứng chỉ cho người lao động đủ các điều kiện sau:
a) Đã tham gia ít nhất 80% thời gian khoá học theo quy định;
b) Có bài kiểm tra cuối khoá đạt yêu cầu;
2. Ghi đầy đủ và chính xác các nội dung trong chứng chỉ.
3. Lập sổ quản lý chứng chỉ và sổ cấp chứng chỉ.
4. Thực hiện việc thu hồi chứng chỉ trong các trường hợp sau:
a) Chứng chỉ cấp cho người không đủ điều kiện nêu ở điểm 1 điều này;
b) Chứng chỉ do người không có thẩm quyền cấp;
c) Chứng chỉ bị tẩy xoá, sửa chữa.
5. Định kỳ báo cáo người đứng đầu doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về kết quả bồi dưỡng kiến thức cần thiết và cấp chứng chỉ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Cục Quản lý lao động ngoài nước có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết trên phạm vi cả nước.
2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết của các đơn vị hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đăng ký trên địa bàn.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười lăm (15) ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 6. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Giám đốc sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó TTg Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ;
– VP Quốc hội;
– VP Chủ tịch nước;
– Toà án NDTC;
– Viện KSNDTC;
– Kiểm toán Nhà nước;
– VP TƯ Đảng, các Ban của Đảng;
– Cơ quan TƯ của các đoàn thể;
– Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– VPCP: Công báo (02 bản);Website Chính phủ;
– Các Sở LĐTBXH;
– Các đơn vị thuộc Bộ;
– Các doanh nghiệp XKLĐ;
– Lưu: VT; Cục QLLĐNN.


Download PFG file

BÀI VIẾT LIÊN QUAN